Mới đây, thành phố Lugano của Thụy Sĩ đã đưa ra thông báo chấp thuận tiền điện tử như một loại hình tiền tệ hợp pháp tại đây, bao gồm: Tether, Bitcoin và token LVGA Points.
Thành phố Lugano của Thụy Sĩ hợp pháp hóa Bitcoin
Thành phố Lugano của Thụy Sĩ đã tuyên bố hôm qua rằng họ sẽ công nhận tiền điện tử là tài sản hợp pháp.
Như vậy, thành phố sẽ cho phép mọi người thanh toán các khoản phí dịch vụ công hoặc thuế bằng bitcoin. Ông Pietro Poretti, người quản lý của Lugano cho biết ngoài Bitcoin , Tether (USDT) sẽ chính thức trở thành stablecoin độc quyền của thành phố thông qua sự hợp tác giữa thị trưởng Michele Foletti và CTO của Tether Paolo Ardoino. Ngoài ra, các thương gia tại đây cũng được khuyến khích và đốc thúc để chấp nhận việc cho khách hàng thanh toán bằng tiền điện tử khi sử dụng dịch vụ.
Lugano là đầu tàu kinh tế của khu vực miền nam Thụy Sĩ và luôn đón đầu các xu hướng mới. Đồng thời, việc hợp tác với một công ty tầm cỡ như Tether là cách thu hút nhiều công ty đến Lugano hơn.
Bên cạnh đó, người đứng đầu thành phố Lugano cũng thông báo về một dự án mang tên “Kế hoạch ₿”, một trung tâm công nghệ được sáng lập dành riêng cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain hoặc có liên quan đến tiền điện tử. Nơi đây có thể được dùng để tổ chức các sự kiện, hội thảo và thu hút các công ty tiềm năng đến để mở trụ sở.
Ardoino cho biết thêm lý do vì sao Lugano hợp pháp hóa tiền diện tử: “GDP của El Salvador đã tăng 10% và ngành du lịch của quốc gia này cũng tăng trưởng 30% sau khi tuyên bố bitcoin được hợp pháp hóa tại đây. Hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể làm ở một thành phố nằm tại trung tâm Châu Âu?”
Poretti cho biết thành phố sẽ “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp và những người hứng thú với Bitcoin. Ông cam kết, Lugano sẽ là thành phố đầy hứa hẹn đối với các du khách, doanh nghiệp và những ai đang khao khát khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền số hoặc block chain.
Nhiều quốc gia chấp thuận tiền điện tử, vì sao?
Bên cạnh việc sử dụng tiền điện tử như một phương thức thanh toán, nhiều người xem đây là một loại hình đầu tư đầy tiềm năng. Tùy vào tầm nhìn của mỗi nhà đầu tư mà việc mua hoặc bán tiền điện tử cũng sẽ có những chiến lược nhất định.
Không giống như cổ phiếu hay trái phiếu, chính phủ không có quyền kiểm soát các đồng tiền kỹ thuật số. Do vậy, các cá nhân và tổ chức có thể sử dụng cũng như giao dịch tiền điện tử một cách tự do. Hiện nay, nhiều nền tảng cung cấp dịch vụ, sàn thương mại điện tử đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng loại hình tiền tệ mới này. Ngoài ra, một số công ty như Tesla, PayPal và Mastercard đã thúc đẩy việc phát triển của tiền mã hóa bằng cách tạo đầu ra cho nó.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Chainalysis, mức độ chấp thuận tiền điện tử trên toàn cầu đã tăng hơn 880% vào năm 2021, nếu so sánh với số liệu năm 2019, con số này còn lớn hơn gấp nhiều lần, gần 2300%. Số liệu nghiên cứu này dựa trên khối lượng giao dịch peer-to-peer (P2P) và từ các hoạt động giao dịch bán chuyên.
Nhiều người sẽ cho rằng, các nước như Hoa Kỳ và Anh là những quốc gia dẫn đầu trong các hoạt động giao dịch tiền số. Tuy nhiên, dữ liệu từ Statista và Chainalysis lại cho thấy điều ngược lại. Các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh mới là những nước dẫn đầu trong việc chấp nhận tiền điện tử, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.
Tương tự như đồng đô la, phần lớn các loại tiền điện tử đều có thể giao dịch ở phạm vi toàn cầu, điều này giúp xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia. Nhiều người còn xem tiền điện tử là hầm trú ẩn an toàn để tránh lạm phát và cải thiện tài chính thông qua các hoạt đồng đầu tư. Ở châu Âu, Anh và Thụy Sĩ là hai quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về việc chấp thuận tiền điện tử song phần lớn vẫn đến từ các quỹ đầu tư tại đây.
Thế giới bắt đầu chấp nhận tiền điện tử ngày một nhiều hơn bởi lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư từ loại hình tiền tệ mới này là vô cùng lớn. Nhiều tỉ phú đô la trẻ tuổi xuất hiện trên báo chí thông qua đầu tư tiền mã hóa khiến khát vọng “đổi đời” được đẩy lên cao.
Một thống kê nhỏ sau đây sẽ giải thích lý do vì sao tiền điện tử lại hấp dẫn như vậy, kể từ khi ra mắt vào năm 2009, tốc độ tăng trưởng trung bình của đồng Bitcoin là 113% hàng năm. Đây chính là lý do vì sao nhiều người vẫn tiếp tục đổ tiền vào tiền mã hóa bất chấp nhiều rủi ro đi kèm.
Đọc thêm:>>> Bitcoin điều chỉnh trước chuyển biến mới nhất của FED
Source: Stephen Ngari