Kể từ khi blockchain ra đời, những nhà sáng tạo đã phát hiện ra tiềm năng to lớn của công nghệ này và đang khám phá mọi ứng dụng có thể của nó trong các ngành công nghiệp.Tùy vào mục đích sử dụng, private, public và consortium blockchain được ra đời để đáp ứng những nhu cầu cụ thể của người dùng.
PUBLIC BLOCKCHAIN (BLOCKCHAIN CÔNG KHAI)
Nếu bạn đã sử dụng một loại tiền mã hóa nào đó, rất có thể bạn đã tương tác với một public blockchain. Phần lớn các sổ cái phân tán ngày nay là các public blockchain. Bất kỳ ai cũng có thể xem các giao dịch diễn ra, và bạn chỉ cần tải xuống phần mềm cần thiết là có thể tham gia blockchain này. Một đặc điểm nổi bật của blockchain công khai là permissionless (không cần được cấp quyền). Không một ai có thể cản trở bạn tham gia và bất kỳ người nào cũng có thể tham gia vào cơ chế đồng thuận (ví dụ, bằng cách khai thác hoặc góp cổ phần).
PRIVATE BLOCKCHAIN (BLOCKCHAIN RIÊNG TƯ)
Trái ngược hoàn toàn với tính permissionless của các blockchain công khai, các blockchain riêng tư có những quy tắc về việc ai có thể tham gia và ghi dữ liệu vào chuỗi. Chúng không phải là hệ thống phi tập trung, vì có một hệ thống phân cấp rõ ràng để kiểm soát. Tuy nhiên, chúng là các mạng phân tán, trong đó nhiều nút vẫn duy trì một bản sao của chuỗi trên máy tính. Các chuỗi riêng tư phù hợp với các doanh nghiệp, tổ chức muốn tận hưởng các thuộc tính của blockchain mà vẫn có thể bảo vệ mạng của họ không bị những người bên ngoài truy cập.
CONSORTIUM BLOCKCHAIN
Consortium blockchain là sự kết hợp giữa các chuỗi công khai và riêng tư. Thay vì một hệ thống mở trong đó bất kỳ ai cũng có thể xác nhận các khối hoặc một hệ thống đóng trong đó chỉ một tổ chức duy nhất chỉ định những người tạo ra các khối, thì chuỗi consortium bao gồm một số bên có quyền lực ngang nhau hoạt động như các trình xác nhận. Do đó, các quy tắc của hệ thống rất linh hoạt: Trình xác nhận sẽ giới hạn khả năng hiển thị của chuỗi, chỉ có thể được xem bởi những cá nhân được ủy quyền hoặc bởi tất cả. Khi các trình xác nhận đạt được đủ sự đồng thuận, các thay đổi sẽ được đưa ra. Đối với chức năng của blockchain, nếu một số lượng nhất định các bên hoạt động trung thực, hệ thống sẽ không gặp phải bất kỳ vấn đề nào.
Một consortium blockchain sẽ phù hợp nhất trong môi trường có nhiều tổ chức hoạt động trong cùng một ngành và yêu cầu một nền tảng chung để thực hiện các giao dịch hoặc để chuyển tiếp thông tin. Tham gia một consortium loại này có thể có lợi cho một tổ chức, vì nó sẽ cho phép họ chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về ngành của họ với những người tham gia khác.
LOẠI NÀO TỐT NHẤT?
Về cơ bản, các public, private, và consortium blockchain không mâu thuẫn với nhau, chúng là những công nghệ khác nhau:
- Các chuỗi công khai được thiết kế tốt có khả năng chống kiểm duyệt vượt trội tuy nhiên điều đó ảnh hưởng đến tốc độ và thông lượng. Loại blockchain này phù hợp nhất để đảm bảo bảo mật cho việc thực hiện các giao dịch (hoặc hợp đồng thông minh).
- Chuỗi riêng tư có thể ưu tiên tốc độ của hệ thống. Chúng là lựa chọn lý tưởng trong các tình huống mà một cá nhân hoặc tổ chức phải kiểm soát và thông tin được giữ kín.
- Chuỗi consortium giảm thiểu một số rủi ro từ phía đối tác mà chuỗi riêng tư gặp phải (bằng cách loại bỏ kiểm soát tập trung) và số lượng nút nhỏ hơn thường cho phép họ thực hiện điều đó hiệu quả hơn chuỗi công khai.
KẾT LUẬN
Có nhiều lựa chọn blockchain cho các cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động khác nhau. Các phân loại public, private và consortium blockchain cũng có những sự khác biệt dẫn đến trải nghiệm người dùng khác nhau.Tùy thuộc vào trường hợp sử dụng, người dùng sẽ cần phải chọn loại blockchain phù hợp nhất để đạt được mục tiêu của riêng họ.
Source: Thùy Trang – PhocapBlockchain