Nhiều người sẵn sàng chi hàng triệu USD để sở hữu một đoạn video, một bức tranh số, thậm chí một khu bất động sản ảo… dưới dạng NFT. Rốt cuộc NFT là gì mà có thể khiến giới đầu tư bỏ ra số tiền lớn đến vậy?
NFT xuất hiện từ khoảng năm 2012 nhưng đến năm 2017 mới được biết đến nhiều hơn nhờ game nuôi mèo ảo CryptoKitties chạy trên mạng Ethereum, cho phép người chơi nuôi, giao dịch mèo ảo bằng đồng Ether.
Cơn sốt tiền điện tử đầu năm nay đã tạo tiền đề cho NFT trở thành xu hướng đầu tư mới nhất. Những hoạt động mua bán tác phẩm nghệ thuật cũng khiến giới truyền thông không thể làm ngơ trước sức hút của NFT. Chẳng hạn, nghệ sĩ Beeple đã bán nhiều tác phẩm nghệ thuật gồm tranh và video trực tuyến với giá lên đến hàng triệu USD. Ca sĩ Grimes – bạn gái của Elon Musk cũng thu về 5,8 triệu USD trong vòng chưa đầy 20 phút nhờ “tẩu tán” thành công bộ sưu tập tranh NFT.
Thị trường ngày càng nóng lên khi nhiều người có sức ảnh hưởng như Lindsay Lohan, Mark Cuban, Gary Vaynerchuk bắt đầu gia nhập. Thậm chí CEO Twitter Jack Dorsey gần đây cũng có dòng tweet được trả 2,5 triệu USD dưới dạng NFT. Giới chuyên gia dự báo NFT sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.
NFT là gì?
Non-Fungible Tokens
NFT (Non-Fungible Tokens – tạm dịch là Token không thể thay thế) là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu.
Theo CoinDesk, một số đặc tính nổi bật của NFT bao gồm:
- Không thể phân chia: Những loại tiền mã hóa như Bitcoin hay Ether đều có thể bị chia nhỏ và giao dịch dưới dạng phân số, trong khi đó NFT là một tài sản nguyên vẹn.
- Không thể phá hủy hay làm nhái: Tất cả dữ liệu NFT được lưu trữ trên nền tảng blockchain thông qua hợp đồng thông minh (smart contract). Vật phẩm ảo trong game có thể bị sao chép hàng loạt hoặc bị xóa bỏ nếu nhà sản xuất tuyên bố đóng cửa, nhưng mỗi NFT đều độc nhất vô nhị và tồn tại không phụ thuộc vào công ty nào. Chẳng hạn, bạn có thể mua nhạc từ iTunes nhưng không sở hữu bản nhạc đó mà chỉ mua giấy phép để nghe nhạc.
- Có thể xác minh: Các tác phẩm nghệ thuật số được mua bán dưới dạng NFT sẽ luôn là bản gốc, không có bản sao thứ hai. Nhờ việc lưu trữ dữ liệu quyền sở hữu trên blockchain, ai cũng có thể truy ngược lại nguồn gốc người tạo ra tác phẩm, không cần bên thứ ba tham gia xác thực như những món đồ cổ nghệ thuật cần sự chứng nhận của chuyên gia.
Tại sao NFT có giá trị?
Bản thân NFT có giá trị sưu tầm vì mỗi vật phẩm là độc nhất, nhưng hơn thế, nó còn giúp đem lại lợi nhuận cho game thủ và các nhà đầu tư. Nhờ công nghệ blockchain, nhà đầu tư và game thủ có thể kiếm tiền bằng cách bán vật phẩm trong game, trong những sòng bạc ảo như The Sandbox hay công viên giải trí ảo Decentraland.
CoinDesk đưa ra ví dụ một game thủ đã bán hàng loạt lô đất trong Decentraland với giá 80.000 USD, hay một nhà đầu tư đã mua đoạn đường đua trong game F1 Delta Time dưới dạng NFT. Người này sẽ nhận cổ tức 5% từ các cuộc đua diễn ra trên đoạn đường này, bao gồm vé vào cửa. Đối với nghệ sĩ, việc bán tác phẩm dưới dạng NFT không cần thông qua bên thứ ba (như sàn đấu giá, phòng trưng bày…) sẽ giúp họ giữ lại một phần lợi nhuận đáng kể. Họ cũng sẽ nhận tiền bản quyền mỗi lần tác phẩm được trao tay cho chủ sở hữu mới.
Rủi ro từ NFT
Vì mọi hoạt động liên quan đến NFT đều diễn ra trên mạng lưới Ethereum nên phí giao dịch rất cao, phải trả 50 USD để chuyển quyền sở hữu NFT từ người tạo cho người mua. Trên các khu chợ ảo như Rarible hoặc OpenSea, mỗi giao dịch như tạo NFT, đặt giá thầu, chuyển quyền sở hữu đều khiến người dùng tốn khoản tiền lớn và tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ. Một số nhà phê bình xem NFT là một mốt đầu tư nhất thời.
WhadeShark nhận định: “Tôi nghĩ 99% dự án trong thị trường hôm nay sẽ không tồn tại trong 2-3 năm sau, rất giống vụ nổ bong bóng ICO năm 2017”.Nadya Ivanova – giám đốc điều hành của L’Atelier nói với CNBC: “Có rất nhiều rủi ro. Điều quan trọng cần biết là thị trường NFT còn rất mới. Ta vẫn cần phải qua nhiều chu kỳ khác nhau mới có thể thiết lập giá trị thực của chúng”.
Theo ThanhNien Online