Hình thức lending đang ngày càng trở nên phổ biến và được rất nhiều Crypto trader hưởng ứng. Vậy thì, lending có đặc điểm như thế nào, cách thức hoạt động ra sao và trader có thật sự hoàn toàn có lợi khi tham gia vào hình thức này hay không?
Lending trong Crypto là gì?
Lending là một hình thức cho vay coin/token trên thị trường tiền điện tử, những trader đang có coin/token nhàn rỗi sẽ cho những người đi vay (gọi là borrower) vay, trong một thời gian nhất định với một mức lãi suất cam kết trước. Sau thời hạn cho vay đó, người đi vay sẽ hoàn trả lại vốn gốc cùng với tiền lãi cho người cho vay. Ví dụ: đồng USDT trên Binance Lending đang có lãi suất Lending là 6.66%/năm đối với kỳ hạn 30 ngày. Nếu các bạn lending 100 USDT thì sau 30 ngày, tổng tiền gốc và lãi mà bạn sẽ nhận lại là 100 + 100 * 6.66% * 10/365 = 100.547 USDT. Với khái niệm trên, các yếu tố cơ bản của một lending bao gồm:
- Người cho vay (Lender): Là nhà đầu tư, nhà giao dịch khi tham gia vào một nền tảng lending hoặc một sàn giao dịch tiền điện tử bất kỳ, có cung cấp hình thức lending và là những người đang có coin/token nhàn rỗi.
- Người đi vay (Borrower): Là sàn lending, sàn giao dịch coin hoặc là nhà đầu tư, nhà giao dịch cũng tham gia trên nền tảng hoặc sàn lending đó, có nhu cầu vay coin/token.
- Tài sản cho vay (Lending Assets): Tùy thuộc vào từng nền tảng, từng sàn giao dịch mà các bạn có thể lending nhiều loại coin/token khác nhau. Nhưng để lending được, các bạn phải thực sự sở hữu đồng coin/token đó trong ví của mình.
- Tỉ lệ Lãi suất (Lending Interest Rate): Phụ thuộc lớn nhất vào chính sách của từng nền tảng, từng sàn và sau đó là tùy vào từng loại tiền điện tử khác nhau mà lãi suất vay cũng sẽ khác nhau.
- Thời hạn cho vay (Lending Time): Là khoảng thời gian từ lúc bắt đầu cho vay đến lúc các bạn nhận lại vốn gốc và tiền lãi. Tùy thuộc vào các nền tảng hay sàn lending sẽ có những kỳ hạn cho vay khác nhau như 7 ngày, 14 ngày, 30 ngày, 90 ngày…
- Tổng giá trị bị khóa (Lending Total Value Locked): Được hiểu là tổng lượng tài sản bị khóa (lock) bên trong nền tảng. Con số này thể hiện mức độ quan tâm và tham gia của người dùng tới nền tảng đó. Càng nhiều tài sản được lock bên trong nền tảng thì càng tác động tới giá của đồng coin đó.
Cách thức hoạt động của lending trên thị trường tiền điện tử.
Nhà đầu tư sở hữu coin nhàn rỗi có thể lending coin trên các nền tảng lending hoặc trên các sàn giao dịch coin cho phép lending. Trong đó, các nền tảng này được chia thành 2 loại khác nhau: CeFi và DeFi
- CeFi (Centralized Finance): Nền tảng lending tập trung, nghĩa là người cho vay và đi vay thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua một trung gian thứ 3, hay chính xác là chủ của nền tảng/dự án lending.
- DeFi (Decentralized Finance ): Nền tảng lending phi tập trung, loại bỏ yếu tố trung gian của bên thứ ba, các hoạt động cho vay – vay sẽ được diễn ra trực tiếp trên các smart contract của blockchain.
Tuy nhiên, ở đây, các bạn không cần quá quan tâm đến sự phân loại này mà chủ yếu là cách thức hoạt động của lending trên các nền tảng lending. Những người đang có coin nhàn rỗi và cả những người đang cần coin sẽ tham gia vào nền tảng lending.
Những người có lending nhàn rỗi thì tiến hành lending để nhận lãi suất hàng kỳ. Ngược lại, các borrowers sẽ đăng ký vay mượn, sau đó trả gốc lẫn lãi sau khi thời hạn cho vay kết thúc. Nền tảng Lending nhận nhiệm vụ trung gian, đứng ra kiểm soát các hoạt động lending – borrow này và thu nhập mà họ có được chính là chênh lệch lãi suất giữa vay – cho vay. Mục đích của những người cho vay trên nền tảng lending chủ yếu là có thêm thu nhập trên tài sản nhàn rỗi, tương tự như gửi tiết kiệm ngân hàng. Còn với những người đi vay thì họ có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như hold coin chờ tăng giá, đem bán ra ở các sàn giao dịch và lấy lợi nhuận trả lãi vay, hoặc sử dụng để thanh toán…
P2P Lending là gì?
P2P Lending (Cho vay ngang hàng) là hình thức cho vay trực tiếp giữa người vay và người cho vay mà không cần thông qua một bên thứ 3 làm trung gian.
Cụ thể, bằng cách sử dụng các Smart Contract, người đi vay và người cho vay có thể ký hợp đồng cho vay và đi vay mà không cần thông qua trung gian. Thay vào đó, các Smart Contract tự thực hiện và cho phép giao dịch. Ưu điểm lớn nhất của P2P Lending là chi phí và lãi suất cho vay thấp hơn rất nhiều so với 2 hình thức còn lại vì loại bỏ được bên trung gian. Nhờ đó mà thông tin giao dịch và khách hàng cũng được đảm bảo tính bảo mật.
Một số dự án tiêu biểu trong mảng P2P Lending: Compound, Aave, Rabit Finance, Unit Protocol,…
Lending trên các sàn giao dịch tiền điện tử
Hiện nay, có một vài sàn giao dịch tiền điện tử cung cấp hình thức lending/borrow coin như Binance, Bitfinex, Poloniex, Gate.io…Mục đích của nhà đầu tư vay coin trên sàn là để giao dịch margin, nhằm huy động thêm một phần vốn từ sàn để làm đòn bẩy cho giao dịch của họ, tối đa hóa lợi nhuận trên số vốn thực. Số coin/token mà nhà đầu tư vay được từ sàn có thể xuất phát từ 2 nguồn khác nhau, hoặc là coin dự trữ của sàn hoặc là từ coin nhàn rỗi của những nhà đầu tư khác trên sàn. Tuy nhiên, rất ít hoặc hầu như không có sàn giao dịch crypto nào đem coin dự trữ của sàn ra cho vay cả vì nếu lỡ như lượng vay quá lớn và sàn không giải quyết được vấn đề xoay vòng vốn thì bắt buộc sàn phải có một lượng coin dự trữ lớn, điều này thì không phải sàn nào cũng làm được. Và tất nhiên, hầu hết các lượng coin cho vay đều đến từ những trader có coin nhàn rỗi.
Với hình thức lending này, các sàn giao dịch sẽ có thêm thu nhập từ chênh lệch lãi suất vay-cho vay, một số sàn còn thu phí hoa hồng trên tiền lãi mà người cho vay nhận được. Ví dụ: Ở sàn X, lãi suất cho vay đồng USDT kỳ hạn 14 ngày là 6.48%/năm, trong khi lãi suất đi vay phải trả đến 21.9%/năm.
Ưu, nhược điểm của lending trong thị trường tiền điện tử
Ưu điểm
Đối với người cho vay: họ có thể tận dụng nguồn coin/token nhàn rỗi của mình để gia tăng số coin mà không phải giao dịch mua, bán trực tiếp trên thị trường.
Đối với người đi vay: họ có thể sử dụng khoản vay này như một đòn bẩy để tối đa hóa lợi nhuận với nguồn vốn nhỏ thực có của mình bằng các giao dịch margin.
Nhược điểm
Nhược điểm lớn nhất của hình thức lending này chính là nằm ở sự biến động giá của đồng coin. Đối với các lenders, nếu đồng coin cho vay bị mất giá sau đó thì số tiền lãi mà họ nhận được không đủ để bù đắp thiệt hại này.
Ví dụ: các bạn cho vay 10 BCH với lãi suất 6.6%/năm trong vòng 30 ngày. Ở thời điểm hiện tại, giá BCH đang là 450$, vậy 10 BCH của bạn đang có giá trị là 4,500$. 30 ngày sau, giá BCH giảm xuống chỉ còn 410$, tổng số coin mà bạn nhận được cả gốc lẫn lãi là 10 + 10 * 6.6% *30/365 = 10.0542 BCH, tương đương với 4,122$, giảm 8.4%.
Còn đối với các borrowers, khi vay coin để giao dịch margin, nếu dự đoán đúng xu hướng, bạn sẽ tối đa hóa được lợi nhuận. Ngược lại nếu dự đoán sai, thua lỗ cũng sẽ tối đa hóa lên tương ứng, chưa kể bạn vẫn phải trả tiền lãi cho lenders.
Đối với các nền tảng lending CeFi hay DeFi, thì rủi ro lớn nhất mà các lenders và borrowers có thể gặp phải chính là độ uy tín của sàn. Nếu gặp phải những nền tảng hay dự án lừa đảo, khi đã gom được một lượng coin lớn thì họ sẽ nhanh chóng biến mất.
Kết luận
Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng Lending cũng là một kênh giúp gia tăng thêm lượng coin/token dành cho những bạn đang hold coin lâu dài, tất nhiên phải là các loại coin có khả năng tăng giá trị ở tương lai. Tuy nhiên, lending cũng có mặt trái của nó, và rủi ro lớn nhất nằm ở sự uy tín của nền tảng hoặc sàn giao dịch mà các bạn lựa chọn để lending. Chính vì vậy, cho dù là lending hay giao dịch margin trên thị trường tiền điện tử thì việc chọn sàn rất quan trọng.
Source: Kim Chi -PhocapBlockchain