Mô hình tài chính phi tập trung hay DeFi là một xu hướng mới nổi trong lĩnh vực đầu tư tài chính, đặc biệt là trên thị trường Crypto. DeFi được ví như một cuộc cách mạng, mở ra hướng đi mới cho toàn bộ lĩnh vực này trên toàn cầu. Vậy cụ thể DeFi là gì? Tiềm năng và rủi ro của DeFi ra sao? Top 5 dự án DeFi tiềm năng nhất hiện nay gồm những gì?
DeFi là gì?
DeFi là từ viết tắt của Decentralized Finance, tạm dịch: Tài chính phi tập trung. Đây là hệ thống mà các sản phẩm tài chính có sẵn trên một mạng Blockchain phi tập trung công khai.
Lợi ích cốt lõi của DeFi là sự tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính, đặc biệt là đối với những người bị tách biệt khỏi hệ thống tài chính hiện tại. Tiềm năng khác của DeFi còn là các khuôn khổ và module mà nó được xây dựng. Nói cách khác, các ứng dụng DeFi có thể tương tác trên các blockchain công khai có khả năng tạo ra các thị trường tài chính, sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới.
Ứng dụng của DeFi
Mặc dù DeFi thường được đặt trong lĩnh vực Blockchain và tiền điện tử. Nhưng phạm vi ứng dụng của mô hình này rộng hơn nhiều.
Canh tác năng suất
Canh tác năng suất hay Yield Farming là thuật ngữ dùng để chỉ những người cố gắng tạo ra thêm lợi nhuận từ những đồng tiền điện tử mà họ đang sở hữu.
Hiểu đơn giản, nếu người nông dân đang sở hữu mảnh đất, họ sẽ cho thuê mảnh đất này để lấy lợi nhuận. Tương tự như người sở hữu coin, họ sẽ cho thuê coin để tham gia vào thị trường mua bán nhằm làm biến động giá cho một coin nào đó.
Giao dịch ký quỹ
Giao dịch ký quỹ hay Margin Trading là thuật ngữ thường thấy trong thị trường Forex. Trong thị trường tiền điện tử cũng vậy, bạn có thể giao dịch nhiều hơn số tiền mà bạn đang có trong sàn bằng việc đi vay của sàn và phải trả lại khi chốt giao dịch.
Sàn giao dịch phi tập trung
Tại các sàn giao dịch phi tập trung, bạn có thể tự giao thương với người khác mà không cần sàn trung gian để giảm chi phí. Do sàn không kiểm soát tiền của bạn nên dù hacker có hack được sàn đi chăng nữa cũng không thể lấy được tiền.
Stablecoin
Nếu như không có DeFi, việc mang Crypto đi thế chấp để phát hành Stablecoin sẽ khó khăn hơn vì cần nhiều khâu trung gian. Ngược lại, với DeFi, Crypto sẽ được thế chấp tự động và nhanh chóng bằng các hợp đồng thông minh.
Tiềm năng và rủi ro của DeFi
Tiềm năng của mô hình DeFi
Trong tương lai, DeFi sẽ làm thay đổi và ảnh hưởng khá nhiều đến mô hình tài chính tập trung tại nhiều quốc gia. Nhiều nhà đầu tư đang dần chán sự tập quyền của hệ thống tài chính truyền thống. Họ muốn sự tự do, thỏa mái và không bị kiểm soát, đặc biệt là những người không có cơ hội tiếp cận với tài chính ngân hàng. Vì vậy, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển sang DeFi để tự mình quản lý tài chính cá nhân mà không cần phụ thuộc vào bên thứ ba hay tổ chức tập trung nào khác.
Rủi ro của DeFi
Mặc dù ở các Smart Contract luôn được đánh giá là bảo mật cao, nhưng với những hacker, họ giỏi vẫn có thể tìm ra những lỗ hổng để xâm nhập vào. Vì vậy, DeFi đã và đang cố gắng cải thiện tính bảo mật cho các Smart Contract.
Bên cạnh đó, chính phủ của nhiều nước từ lâu đã không thích Blockchain. Giờ đây lại thêm DeFi sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng kiểm soát ngành tài chính của họ. DeFi không chỉ tác động đến lợi ích cá nhân mà đụng chạm đến sự bình ổn của một quốc gia.
Cho nên, không dễ để DeFi có được sự công nhận hợp pháp tại nước sở tại. Thậm chí là các quốc gia này có thể cấm tất cả các hoạt động liên quan đến Blockchain như Trung Quốc đang chẳng hạn.
Top 5 dự án DeFi tiềm năng ở hiện tại
UniSwap
Uniswap được ra đời từ năm 2018 bởi Uniswap Laps – một công ty phát triển giao thức và giao diện web được điều hành bởi nhà sáng lập Hayden Adams, dựa trên cảm hứng từ bài đăng của Vitalik Buterin – Founder của Ethereum. Ông đã cho ra đời một giao thức hoàn toàn mới – giao thức tạo lập thị trường tự động (AMM) và đồng thời cũng là sàn giao dịch phi tập trung (DEX), nơi mà người dùng có thể trao đổi token ngay trên Ethereum, mà hoàn toàn không phải trả bất cứ phí sàn hay phí trung gian nào.
Chainlink
ChainLink là một nền tảng blockchain trung gian, được xây dựng trên blockchain Ethererum, được bắt đầu phát triển từ năm 2015.
Do hợp đồng thông minh (Smart Contract) không thể tương tác với bất kỳ dữ liệu nào ngoài Blockchain, nên ChainLink được tạo ra để trở thành cầu nối giữa Smart Contract với các nguồn dữ liệu.
Wrapped Coin
Wrapped Bitcoin (WBTC) còn được gọi là một mã ERC-20 đại diện cho Bitcoin trên nền tảng Ethereum. Mỗi Token của Wrapped Bitcoin có giá trị tương ứng với một đồng Bitcoin. Điều này cho phép người dùng có thể chuyển Token của họ từ Blockchain này sang Blockchain khác, mở rộng các tiện ích của Token để hoạt động trên nhiều mạng.
Sự ra đời của dự án Wrapped Bitcoin đã giúp toàn cầu giải quyết các vấn đề về giao dịch. Wrapped Bitcoin giúp thị trường DeFi tận dụng tối đa các dòng tiền từ những người nắm giữ BTC. Hiện tại, chúng ta chỉ mới khai thác được 18.5 triệu đồng BTC, tuy nhiên với con số này khi cùng tham gia vào DeFi thì dòng tiền sẽ vô cùng lớn.
Terra
Terra là blockchain cho phép người dùng tạo stablecoin được neo vào tiền pháp định.
Dự án trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực thương mại điện tử tại thị trường châu Á và sở hữu lượng người dùng lớn ở Hàn Quốc, nơi đặt trụ sở chính của dự án. Ví dụ: người dùng dịch vụ taxi ở Mông Cổ có thể trả tiền cho một số tài xế bằng stablecoin Terra MNT được neo vào đồng tugrik Mông Cổ. Token được đúc trên nền tảng này được gọi là đơn vị tiền tệ Terra và tồn tại song song với token gốc của mạng lưới là token tiện ích và quản trị LUNA.
PancakeSwap
Pancakeswap là một trong những sàn phi tập trung theo cơ chế tạo lập thị trường tự động (AMM DEX) đầu tiên của Binance Smart Chain, cho phép người dùng trao đổi các token chuẩn BEP20 (chuẩn token mới nhất từ Binance Smart Chain).
Tương tự như các AMM DEX khác, khi giao dịch trên PancakeSwap, những người dùng cung cấp thanh khoản sẽ góp tài sản của mình vào Pool, còn những người giao dịch sẽ Swap tài sản qua lại trong Pool theo công thức định sẵn của Smart Contract, thay vì cơ chế Order-book (sổ lệnh) như các sàn giao dịch thông thường.
Tổng kết
Tài chính phi tập trung tập trung vào việc xây dựng các dịch vụ tài chính tách biệt với hệ thống tài chính và nền chính trị truyền thống. Điều này sẽ cho phép một hệ thống tài chính cởi mở hơn và có khả năng ngăn chặn các tiền lệ về kiểm duyệt và phân biệt đối xử trên toàn thế giới.
Mặc dù là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng tính chất phân quyền không phải tạo ra mọi thứ đều có lợi. Tìm ra các tính năng phù hợp nhất, dựa vào các đặc điểm của blockchain là việc rất quan trọng trong việc xây dựng các sản phẩm tài chính mở hữu ích.
Nếu phát triển và mở rộng thành công, DeFi có thể lấy bớt quyền lực từ các tổ chức tập trung lớn và đặt nó vào tay cộng đồng mã nguồn mở và các cá nhân riêng lẻ. Liệu điều đó có giúp tạo ra một hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả hơn hay không? Điều này sẽ được quyết định khi DeFi được công nhận và ứng dụng trong nền tài chính chính thống.
Theo Tin Tức NFT tổng hợp