Bitcoin tiếp tục lao dốc về dưới 35.000 USD, kéo theo loạt alt coin hàng đầu giảm mạnh, đẩy thị trường chìm vào sắc đỏ. Nhiều nhà phân tích lo ngại đồng tiền số này đang liên kết chặt chẽ với đà tăng giảm của chứng khoán Hoa Kỳ.
Sáng ngày 8/5 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin rơi xuống dưới mốc 35.000 USD, trở thành một trong hai mức giảm “kinh khủng nhất” trong vòng 3 tháng trở lại đây. Các nhà phân tích đánh giá việc lên xuống của Bitcoin hiện đang gắn với kinh tế Mỹ. Điều này sẽ làm giảm sự kỳ vọng về đồng coin phổ biến nhất thế giới.
Tại thời điểm viết bài này, BTC đang giao dịch trong khoảng 34.611 USD, là một trong 3 mốc thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. So với mức giá hơn 39.000 USD vào tuần trước, đồng tiền điện tử giá trị nhất hành tinh hiện đã mất gần 4.000 USD, điều này khiến nhiều nhà đầu tư thấp thỏm lo âu.
Việc Bitcoin lao dốc kéo theo Ethereum, đồng tiền điện tử xếp sau BTC, cũng tuột dốc không phanh trong một tháng gần đây. ETH hiện đang giao dịch ở mức 2.548 USD, giảm khoảng 17% so với giá đỉnh 3.300 USD hồi đầu tháng trước.
Tâm lý hoảng loạn tiếp tục bao trùm thị trường
Theo giới phân tích, giá Bitcoin hiện đang gánh chịu những tác động tiêu cực bởi đà bán tháo ồ ạt của các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ. Ở chiều hướng khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm như dự đoán từ các chuyên gia và bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán kể từ tháng 6 năm nay. Trong thời gian tới, Fed được cho là sẽ mạnh tay hơn nữa trong việc nâng lãi suất. Việc lãi suất gia tăng có thể khiến dòng tiền được rút ra khỏi những mã cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa, bởi đây là những tài sản rủi ro cao.
Có thể dễ dàng nhìn thấy, xu hướng bán tháo các khoản tài sản rủi ro đang lan rộng trên thị trường, điều này khiến tiền mã hóa chịu tác động vô cùng lớn. Theo một số nguồn phân tích dữ liệu, hiện có hơn 407 triệu đô BTC bị thanh lý chỉ trong 24 giờ khi giá đồng tiền số đứng đầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng.
Việc Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm đạt được mục tiêu “Zero Covid” cũng như căng thẳng từ chiến tranh Nga – Ukraine đã tác động tiêu cực đến thị trường tiền số trên toàn cầu.
Bitcoin liên kết chặt với nền kinh tế Mỹ
Kể từ thời điểm Trung Quốc bắt đầu siết chặt các chính sách liên quan đến tiền mã hóa cũng như tài sản kỹ thuật số, thị trường đã bắt đầu đổ dồn về phía Mỹ. Dễ nhận thấy trong vài tháng gần đây, giá Bitcoin gắn liền với đà tăng giảm của chứng khoán cũng như nền kinh tế Mỹ.
Điều đáng nói là việc Bitcoin gắn liền với kinh tế Hoa Kỳ sẽ khiến niềm tin của các nhà đầu tư dành cho đồng tiền này tiêu biến dần. Theo đó, các nhà giao dịch Bitcoin đang xem đồng tiền số này như một cổ phiếu công nghệ. Điều này lý giải vì sao sự tăng giảm của BTC dạo gần đây có sự tương quan với thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Nếu tiếp tục duy trì sự tương quan với thị trường tài chính Mỹ, Bitcoin khó có thể trở thành hàng rào chống lạm phát như nhiều chuyên gia nhận định. Bởi không nhiều nhà đầu tư đủ tin tưởng giao phó “túi tiền” của mình cho một khoảng đầu tư gắn liền với chính trị như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh xung đột giữa các quốc gia ngày càng tăng cao.
Ngoài ra, việc Bitcoin quá phụ thuộc vào đà lên xuống của bảng điện tử khiến biên độ tăng của đồng tiền mã hóa này gặp nhiều giới hạn, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của đồng tiền mã hóa số một thế giới không còn cao như trước. Cột mốc 100.000 nghìn USD mà nhiều chuyên gia đề ra hồi đầu năm dường như trở thành mục tiêu tương đối xa vời. Bởi lẻ, ở thời điểm thực hiện bài viết này, Bitcoin vẫn đang trong đà trượt dài.
Đọc thêm:>>> Lạm phát có thể tạo ra “khoảng trống chính trị”, liệu Bitcoin có thể lấp đầy?
Source: WILLIAM SUBERG – COINTELEGRAPH