Vào ngày 23 tháng 6 năm 2021, một nhóm chuyên gia từ XVision Việt Nam là tập hợp một đội ngũ giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực như ông Trung Phan, ông Tuấn Đặng, bà Lynn Hoàng… và nhiều gương mặt quen thuộc khác trong làng Blockchain Việt Nam, đã đề xuất các ý tưởng sáng tạo để đáp lại Thách thức Toàn cầu cho các giải pháp Bán lẻ Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) được tổ chức bởi Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS). Vậy CBDC là gì, mà một đất nước được mệnh danh là ” Con rồng châu Á” như Singapore lại phải treo thưởng cho toàn cầu để tìm ra giải pháp để tích hợp loại tài sản mới vào nền tài chính quốc gia. Hãy cùng CryptoleakVn tìm hiểu một các đơn giản nhất về CBDC thông qua bài viết của ông Phan Đức Trung – Chủ tịch HĐQT XVision, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư và các giải pháp DEFI.
Phỏng vấn người đi thi Retail CBDC do MAS tổ chức.
Xem thêm: >>> CBDC là gì? Tất tần tật về CBDC (Phần 1)
CBDC là cái gì thế? Nó là ngân hàng hay là sản phẩm ngân hàng?
CBDC là chữ viết tắt của viết tắt của từ Central Bank Digital Currency. Dịch là tiền kỹ thuật số hay tiền số của Ngân hàng Trung ương phát hành.
Thế Ngân hàng Trung ương là ngân hàng nào? Central Bank ấy.
Ngân hàng Trung ương là ngân hàng độc quyền phát hành ra tiền tệ cho quốc gia hay gọi là tiền fiat . Chú ý là độc quyền nhé. Tại Việt Nam thì Ngân hàng Trung ương là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ. Có một số người nhầm là Ngân hàng Nhà nước thuộc bộ tài chính.
Oh, vậy mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam lại thuộc Bộ tài chính?
Đúng rồi. Tại Việt Nam Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ tài chính nên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương đương Bộ trưởng. Còn Chủ tịch UBCKNN lại chỉ tương đương Vụ trưởng của Ngân hàng mà thôi. Tại US thì Uỷ ban chứng khoán là SEC thuộc chính phủ US ngang cấp với Bộ tài chính US. Kể ra cũng thiệt thòi với Uỷ ban chứng khoán nhà nước Việt Nam khi mà qui mô thị trường nó như hiện tại mà vẫn để trực thuộc Bộ tài chính.
Vậy trên thế giới có mấy mô hình ngân hàng trung ương?
Có 3 mô hình ngân hàng trung ương trực thuộc các cấp khác nhau:
- Thuộc quốc hội: US, Đức, Nga,…
- Thuộc chính phủ: Trung quốc, Việt Nam,…
- Thuộc bộ tài chính: trước một số nước áp dụng như Malaysia, UK,… nhưng nay đã bỏ.
Hai mô hình trên vẫn đang hoạt động do tính chất chính trị mỗi quốc gia khác nhau.
Hình như nước US không có ngân hàng trung ương?
Có chứ, tôi vừa nói ở trên đó. Bộ tài chính hay Bộ ngân khố US (Department of the Treasury) là cơ quan thuộc Chính phủ US (cũng như Bộ tài chính Việt Nam thuộc Chính phủ Việt Nam) là nơi phát hành ra đồng xu coin US Dollar. Còn tờ tiền giấy banknote lại do FED phát hành. Và toàn bộ các tiền Dollar chuyển khoản do FED phát hành. Banknote bản chất là một chứng chỉ nợ của nước US. Cái mà chúng ta gọi là tiền đó.
Ngân hàng Trung ương tại Mỹ tên là Federal Reserve System thành lập năm 1913 trước viết tắt là FRS. Tiếng Việt mình gọi là Cục dữ trữ liên bang. FED trực thuộc Hội đồng thống đốc. Hội đồng thống đốc là các thành viên được gọi là thống đốc có 7 người nhiệm kỳ 14 năm. Nhưng tổng thống có thể phế truất giữa nhiệm kỳ và Thượng viện thông qua. Chủ tịch hội đồng thống đốc là Chủ tịch FED. Hiện giờ là ông Jerome Powell, chủ tịch thứ 16 của FED đã được Donal Trump bổ nhiệm 5/2/2018. Tuy nhiên FED lại là cơ quan ngang chính phủ. Nguồn chi phí để hoạt động FED không lấy từ chính phủ hay quốc hội. Mà nó là một dạng thu chi có lợi ích như cổ phần.
Theo quan điểm của bạn thì FED nằm ngoài chính phủ US có ưu điểm gì?
À, cái này có rất nhiều ưu điểm. Vì Chính phủ là cơ quan hành pháp điều hành kinh tế phải có những mục tiêu thu chi do vậy họ không có quyền phát hành tiền. Tiền thiếu sẽ do FED phát hành thêm hoặc thừa thì FED thu lại. Mà thiếu hay thừa là do họ quyết định nên mỗi ngày FED họp là cả thị trường chứng khoán toàn cầu nín thở.
Nghe có vẻ có gì trùng lắp giữa trái phiếu chính phủ US và tờ US Dollar màu xanh?
Đúng rồi. Nó đều là công cụ nợ của chủ nợ. Một bên là chính phủ nợ thì phát hành trái phiếu chính phủ. Còn một bên là FED cho nợ thì gọi tiền Dollar màu xanh mà bạn chắc đang cầm.
Các chủ nợ này khi phát hành có đảm bảo gì không?
Trước đây đồng US Dollar có bảo đảm bằng vàng xong nó bỏ từ lâu rồi vì lấy đâu ra vàng cho ông FED đảm bảo. Chỉ còn đảm bảo bằng uy tín FED. Bạn mở tờ Dolllar ra thấy chữ Federal Reserve Note. Đảm bảo đấy còn gì. Còn trái phiếu chính phủ US là điện tử. Chả có tờ note đó đâu. Nó tựa như tiền chuyển khoản Dollar trong sổ tiết kiệm bạn cầm ấy. Và nó chỉ đảm bảo duy nhất là chính phủ US có thay ai làm tổng thống US thì họ vẫn trả nợ bạn.
Xin được hỏi là đồng Dollar màu xanh và đồng coin có khác gì nhau mà lại phải chia ra 2 nơi làm vậy?
Cái này tôi cũng chả rõ lắm. Nhưng quan điểm của tôi là tiền xu là phục vụ bán lẻ, nó là công việc chi phí lớn như khuân vác xu đi mua kem hay bàn chải đánh răng. Phát hành ra cái xu 1 cent USD thì chi phí của nó đã cỡ 1.7 cent USD. Do vậy các công việc nặng nhọc này FED giao cho chính phủ vốn làm các việc còn nặng nhọc hơn như duy trì hoà bình còn chả sao. Ở Việt Nam thì chắc các tờ tiền lẻ cũng chắc chắn làm tốn kém chi phí của Chính phủ.
Bạn có thể giải thích thật nhanh tại sao CB lại cần quan tâm tới phát hành CBDC trong khi vẫn phát hành tiền fiat có sao đâu?
Chính xác là CB chả quan tâm gì tới CBDC nhưng có tới 1.7 tỉ người trên thế giới không có tài khoản ngân hàng. Tại Việt Nam con số này là 70% người lớn không có tài khoản ngân hàng.
Nhưng với trách nhiệm là ngân hàng trung ương nếu không xây dựng mạng lưới phục vụ 100% người trưởng thành tiếp cận với đồng tiền do mình phát hành ra thì đó sẽ là một thiếu sót lớn. Hệ lụy xảy ra là dòng chảy tài chính mà CB không theo dõi được dẫn tới các hệ lụy về kinh tế, thống kê, dự báo, chưa kể là sự phân hóa giàu nghèo là vấn đề trách nhiệm xã hội của mọi quốc gia.
Theo tôi có 3 lý do buộc ngân hàng trung ương phải để ý tới CBDC
- Thứ nhất: Công nghệ digital currency (DC) cho phép tạo ra các giao dịch vô cùng bé với mức phí thấp mà các ngân hàng truyền thống hay tiền xu không thể làm được. Bạn có biết là tiền số như USDT có thể lấy tới 6 chữ số trong phần thập phân. Trong khi tiền USD lấy có 2 chữ số. Hoặc bitcoin lấy tới 8 chữ số. Rõ ràng có thể bạn mua được những vật dụng ít tiền hơn. Đó là lợi ích của bán lẻ đó.
- Thứ 2: Giao dịch online tăng tốc hơn. Các ngân hàng truyền thống tại US chuyển tiền ghi là 24/7 nhưng thực tế họ có rất nhiều khâu kiểm duyệt chưa được tự động hoá mà KYC, ALM phức tạp bằng cơm. Kể cả bằng máy thì máy cũng policy cơm chạy trước. Rủi ro là vẫn có cơm trong việc vận hành chuỗi policy đó mà khó kiểm soát. Ứng dụng blockchain với smartcontract giảm đáng kể nhân sự bằng cơm. Mà bây giờ chả phải chạy bằng cơm. Có khi họ đang chạy bằng yến hay bào ngư ấy chứ. Đại dich covid năm thứ 2 mà các ngân hàng vẫn có lãi. Lương thưởng, cổ tức cổ đông vẫn cao. Tôi cũng vừa mua cổ phiếu ngân hàng thấy rõ mà.
- Thứ ba: Sự xuất hiện tài sản số/tài sản mã hoá nó không gắn với đời thực lúc này, bắt buộc phải có tiền số không gắn với đời thực để nó đảm bảo tốc độ xử lý cũng như sự tương tác theo kịp. Nếu các ngân hàng trung ương không tham gia thì sẽ xuất hiện các token/coin tự động chiếm chỗ trong trí óc mọi người sớm. Sau này nó tương tự như việc Dollar hoá hay ngoại tệ hoá mà các quốc gia nghèo bị nô lệ bởi đồng tiền nước ngoài dù họ đã có chính phủ mới của mình. Palestine và Israel là một ví dụ điển hình. Hàng xóm chúng ta là Cambodia thì đưa CBDC vào với ý giảm bớt dollar hoá tại quốc gia. Dự án đã chạy rồi dưới tên Bakong.
Ai là người chịu thiệt thòi khi CBDC được thúc đẩy bởi chính phủ:
Hệ thống các Ngân hàng Thương mại truyền thống sẽ thiệt hại bởi mức thu phí dịch vụ sụt giảm và tăng đầu tư công nghệ nếu muốn theo kịp. Lúc ấy chả có bào ngư mà ăn đâu. Nhưng cơm chắc chắn vẫn có. Rồi các cơ quan thống kê như tổng cục thống kê sẽ thiếu việc làm vì CBDC cho phép tường minh các chỉ số. Chắc chắn lúc đó các dự báo sẽ được các AI hoạt động cạnh tranh với các cơ quan thống kê nhà nước. Mô hình dự báo sẽ có cơ hội phát triển. Anh em startup thoả sức AI, bigData,.. Có cài hình vẽ bên dưới bạn thấy tại sao mấy ngân hàng truyền thống bị ảnh hưởng và người tiêu dùng được lợi thế nào đó.
À, mà có thể chưa chắc Ngân hàng truyền thống thiệt đâu. 1.7 tỷ người chưa có tài khoản Ngân hàng được tiếp cận CBDC và số đông mới đó sẽ trả phí dịch vụ. Rồi tốc độ vòng quay nhanh hơn. Ngân hàng truyền thống lúc ấy có khi lại kiếm bộn tiền hơn nữa. Nhưng phải là những ngân hàng nào theo kịp công nghệ.
…To be Continued
Xem thêm: >>> CBDC – Tiền pháp định Kỹ thuật số dưới góc nhìn Kinh tế, Chính trị (Phần 3)
Source: Phan Đức Trung – Phổ cập Blockchain