Nếu cha đẻ Bitcoin ẩn danh suốt từ đầu đến cuối khiến người ta tò mò, thì người đồng sáng lập Ethereum – Vitalik Buterin lại được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Người ta dùng từ “Thần đồng” hay “thiên tài trẻ tuổi” để miêu tả về anh. Vậy rốt cuộc Vitalik Buterin là ai? Hành trình anh sáng tạo ra đồng tiền mã hóa có giá trị thứ 2 chỉ sau bitcoin như thế nào. Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết này.
Thuở thiếu thời
Vitalik sinh ngày 31/01/1994, bố là Dmitry Buterin và mẹ là Natalia Ameline. Anh sinh ra ở thành phố cổ Kolomna nằm cách Moscow khoảng 100km về phía đông nam. Cha anh, Dmitry là một nhà khoa học máy tính.Vào năm 2000, khi Vitalik 6 tuổi, gia đình anh chuyển từ Nga sang Canada. Vitalik luôn có biểu hiện của một thần đồng trẻ tuổi và khi còn học lớp ba ở trường tiểu học, khả năng học hỏi của anh đã sớm được chú ý và sau đó anh được đưa vào lớp học năng khiếu của trường mình.
Từ khi còn nhỏ, anh đã phát triển năng khiếu về toán học, kinh tế và lập trình máy tính. Anh bắt đầu theo học trường Abelard, một trường trung học tư thục có uy tín tại khu vực Toronto của Canada. Anh đã trải qua 4 năm tại ngôi trường Abelard, nơi anh thể hiện khả năng học tập và trí tuệ siêu phàm.
Vào năm 2012, anh đã được nhận vào Đại học Waterloo nhưng đã bỏ học vào năm sau đó. Anh bỏ học để tập trung vào sự nghiệp trong lĩnh vực tiền mã hóa của mình và cuối năm đó, anh đã viết và xuất bản whitepaper của Ethereum.
Ý tưởng đầu tiên được nhen nhóm nhờ game World of Warcraft
Bắt đầu vào năm 2007, Vitalik là một fan của trò chơi nhập vai trực tuyến, World of Warcraft. Từ năm 2007 đến năm 2010, Vitalik dành hàng giờ để thu thập vũ khí và thăng cấp trong trò chơi. Tất cả đều dừng lại vào năm 2010 khi Blizzard loại bỏ sát thương phép Siphon Life của nhân vật warlock trong trò chơi. Vitalik thừa nhận anh đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự kiện này đến mức anh ta thậm chí còn khóc vào ban đêm.
Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà Vitalik nhận ra tất cả quyền hạn đều tập trung tại một thực thể quả là điều tồi tệ. Có thể nói, suy nghĩ này là nền tảng đầu tiên cho hướng đi trong tương lai của cậu: tạo ra một thế giới phân quyền, phi tập trung.
Khám phá Bitcoin
Năm 2011, khi anh 17 tuổi, Vitalik đã biết tới Bitcoin từ cha của mình. Khái niệm về tiền mã hóa không thu hút anh ngay lập tức, vì vậy anh không chú ý nhiều vào lúc đầu. Ý tưởng về một hệ thống tiền tệ không có giá trị nội tại có vẻ giống như một cái gì đó mà theo như anh nghĩ sớm muộn cũng sẽ thất bại. Vài tháng sau, anh có cơ tiếp xúc với Bitcoin; nhưng lần này nó tạo ra ấn tượng nhiều hơn. Với những ảnh hưởng từ vụ việc của trò chơi World of Warcraft vẫn còn hằn sâu trong tâm trí, Bitcoin và công nghệ blockchain đã cho thấy một sự thay thế khả thi cho sự tập quyền mà theo như Vitalik thì đây chính là nguyên nhân cho mọi vấn đề trên thế giới.
Quan điểm tiêu cực của ông về thế giới doanh nghiệp và mong muốn của họ về kiểm soát tập trung là giống với phần lớn những người sớm chấp nhận Bitcoin. Theo như Buterin, sức mạnh là một “trò chơi có tổng bằng không” có nghĩa là những người chơi lớn phải bị tước bỏ quyền lực nếu những người bình thường được được trao quyền.
Xem thêm >>> Satoshi Nakamoto là ai?
Bitcoin Magazine
Để chính thức tham gia vào nền kinh tế mới này, Vitalik Buterin muốn sở hữu một số token. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, anh lại không có đủ nhiều tiền để mua Bitcoin cũng như không đủ khả năng để trang bị máy đào.
Thế là cậu thanh niên quyết định kiếm coin bằng cách viết bài cho các diễn đàn. Công việc này đã giúp anh kiếm được khoảng 5 BTC cho mỗi bài viết.
Nhờ lối viết bài chuyên nghiệp và nền tảng kiến thức tốt mà những bài viết của anh đã thu hút được Mihai Alisie – một nhân vật đam mê Bitcoin đến từ Rumani. Sau những lần tiếp xúc trò chuyện, cả hai đã cùng bắt tay để lập ra Bitcoin Magazine (Tạp chí Bitcoin) vào cuối năm 2011.
Bên cạnh vị trí chủ bút của tờ Bitcoin Magazine, Vitalik còn làm trợ lý cho nhà mật mã học Ian Goldberg. Đến tháng 5/2013, với tư cách là đại diện cho Bitcoin Magazine, anh đã tham gia một hội nghị liên quan đến Bitcoin được tổ chức tại California.
Chuyến đi định mệnh
Nhìn thấy dòng người đổ xô đến hội nghị với cùng một ý tưởng rằng tiền và dữ liệu có thể được phân cấp mạnh mẽ đã gây ấn tượng mạnh, và tạo động lực để chàng thanh niên tiến bước sâu hơn trong ngành này
Khoảnh khắc đó thực sự đã kết hợp chúng tôi lại. Chúng thực sự đã thuyết phục tôi rằng “Điều này là có thật và đáng để tôi mạo hiểm tiến vào”.
Nhờ chuyến đi đó mà anh nhận ra cộng đồng này đang thực sự phát triển rất mạnh mẽ và quy tụ rất nhiều bộ óc thiên tài. Và chỉ vài tuần sau đó, Vitalik quyết định ngưng chương trình học tại trường đại học Waterloo để tập trung cho sự nghiệp.
Đây có lẽ là một điều tương đồng thú vị giữa Vitalik với những nhân vật tên tuổi khác; như Steve Job của Apple, Bill Gate của Microsoft, hay Mark Zuckerberg của Facebook… Bỏ học để thành công.
Ethereum
Với gần 2 năm kinh nghiệm viết về Bitcoin và nhận được phản hồi từ cộng đồng Bitcoin, Vitalik trở nên dày dặn hơn trong thế giới blockchain. Anh không mất nhiều thời gian để nhìn thấy những gì mà một số ít người trong cộng đồng đã bắt đầu nhận thấy; công nghệ blockchain có tiềm năng hỗ trợ nhiều hơn chứ không chỉ là một hệ thống xử lý thanh toán. Anh đã không thành công trong việc đưa ra ý tưởng về việc tạo ra một mạng Bitcoin core được xây dựng thân thiện với các ứng dụng hơn sẽ cho phép tạo ra các ứng dụng phân quyền, hữu ích mà không cần các thủ tục phân lớp chức năng.
Không thể thuyết phục cộng đồng Bitcoin tại thời điểm đó, Vitalik đã bắt tay vào viết một blockchain hoàn toàn mới. Thay vì sử dụng ngôn ngữ mã hóa “th” mà Satoshi Nakamoto đã sử dụng, Vitalik sử dụng một ngôn ngữ lập trình Turing-complete mạnh mẽ và tinh tế hơn. Điều này có nghĩa rằng về mặt lý thuyết, blockchain mới có thể hỗ trợ bất kỳ loại trường hợp sử dụng nào trực tiếp từ việc xây dựng mạng lõi mà không có bất kỳ phân lớp nào. Vitalik đã viết whitepaper cho blockchain mới và đặt tên nó là Ethereum.
Không có bất cứ lời chê trách hay góp ý sửa đổi nào như Vitalik đã nghĩ. Thay vào đó, chỉ hai tuần sau, có khoảng 30 người đã tìm đến Vitalik để thảo luận về khái niệm này.
Một vài trong số đó là những nhân vật tên tuổi như:
Anthony Di Iorio: Nhà đầu tư vào Bitcoin từ rất sớm, đồng sáng lập dự án Ethereum sau này
Gavin Wood: Một lập trình viên, người đã phát minh ra Solidity; đồng sáng lập dự án Ethereum sau này
Charles Hoskinson: đồng sáng lập dự án Ethereum và sẽ tiếp tục tạo ra Cardano sau này.
Số lượng thành viên trong nhóm nhỏ này đã tăng mạnh sau hội nghị Bitcoin Miami 2014, nơi Buterin lần đầu tiên tiết lộ dự án Ethereum với công chúng. Bài phát biểu của chàng trai trẻ đầy tài năng đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại đây. Hàng trăm nhà đầu tư và những người đam mê xếp hàng để được nói chuyện với anh.
Thành công vang dội
Bước tiếp trên đà hưởng ứng mạnh từ công chúng. Vài tháng sau, Vitalik Buterin quyết định tổ chức một đợt ICO cho đồng ETH để tài trợ cho sự phát triển. Cũng trong khoảng thời gian này, anh nhận được khoản tài trợ từ Thiel Fellowship trị giá $100.000
Sau khi huy động được 31.000 BTC (~ 18 triệu USD vào thời điểm đó) từ cộng đồng, Ethereum Foundation đã được thành lập tại Thụy Sĩ với nhiệm vụ giám sát sự phát triển của phần mềm nguồn mở Ethereum.
Vào ngày 30/7/2015, phiên bản Ethereum công khai đầu tiên có tên ‘Frontier’ được phát hành, nhưng đây chỉ là bản thử nghiệm. Khi cả nhà phát triển lẫn kiểm toán viên xác nhận mọi thứ đã ổn định thì nền tảng được chuyển sang phiên bản ‘Homestead’.
Ngày 14/3/2016, mạng Ethereum phát hành phiên bản chính thức đầu tiên; tạo ra thế hệ Blockchain tiếp theo, mang lại nhiều tự do hơn cho các nhà phát triển và dễ sử dụng hơn.
Tin đồn về cái chết của Buterin
Vào ngày 26/06/2017, tin tức về cái chết của Vitalik trong một tai nạn xe hơi tràn lan trên internet. Nguồn gốc của trò FUD này là từ một bài đăng trên diễn đàn 4chan với việc bài đăng được trích dẫn bởi nhiều tờ báo trực tuyến. Tin đồn đã nhanh chóng bị xua tan khi Vitalik cung cấp bằng chứng mình vẫn còn sống trên mạng xã hội. Ông đã đăng một bức ảnh mình đang cầm một mảnh giấy có viết số khối Ethereum mới nhất với mã băm tương ứng.
Tin tức về cái chết của Vitalik khiến giá ETH giảm đáng kể. Các nhà đầu tư liên tục đưa ra các lệnh bán. Vốn hóa thị trường của Ethereum giảm gần 4 tỷ USD nhưng rồi nó đã hồi phục ngay sau đó.
Vụ tấn công DAO nổi tiếng
Đến thời điểm 2016, hệ sinh thái Ethereum thật sự đã lớn mạnh và trở thành nền tảng blockchain phổ biến nhất cho các tổ chức tự quản (DAO), các ứng dụng phân quyền (DApps) và ICO.
Nhưng thành công nào cũng được xây dựng trên sóng gió và có khi là thất bại. Etherem cũng thế. Sóng gió bắt đầu khi DAO bị tấn công. Bất ngờ hơn nữa là chính hacker cho biết hắn ta chỉ đơn giản là lợi dụng một lỗ hổng kỹ thuật trong The DAO để làm điều này.
Đỉnh điểm của vụ việc là khi một ai đó đã rút 50 triệu đô ETH từ DAO; khiến giá ETH lao dốc không phanh, giảm từ 200 USD xuống còn 13 USD.
Nhóm phát triển đã xoay sở để ngăn chặn việc rút tiền và chuyển chúng vào một smart contract khác, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Do cách viết mã DAO nên hacker vẫn có khả năng đưa ra yêu cầu bồi thường ngược lại.
Vì để giải quyết dứt điểm, hard fork là giải pháp duy nhất vào thời điểm ấy. Và đó chính là nguyên do Ethereum Classic ra đời. Để trấn an cộng đồng của mình vào thời điểm nóng bỏng ấy, Vitalik Buterin lên tiếng tuyên bố rằng với anh, ETH là duy nhất.