SocialFi được cấu tạo thành từ hai yếu tố: Decentralized Social Media (Phương tiện truyền thông xã hội phi tập trung) và Social Token (Token xã hội). Chúng ta có thể coi SocialFi giống như một “biến thể” mới của DeFi, hướng đến tính phi tập trung, tính mở và khả năng trao quyền cho người dùng. Nói như vậy thì có nghĩa là SocialFi sẽ liên quan chặt chẽ đến hai khái niệm khác nữa là Web 3.0 vàDAO
Tổng quan về SocialFi
1. SocialFi là gì?
Để dễ hiểu hơn, bạn có thể hình dung thế này. Các mạng xã hội (Social network) như Facebook hay Twitter,… hiện đang thống trị phân khúc này. Điểm chung của nó là cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng thông qua một công ty trung gian. Sau đó, họ thu thập thông tin của người dùng và kiếm lời trên đó, ví dụ như là phân phối quảng cáo.
SocialFi xuất hiện sẽ nâng cấp các mạng xã hội theo mô hình truyền thống đó lên trên nền tảng Web 3.0. Lúc này, quyền lực thay vì tập trung vào một công ty trung gian thì sẽ được đặt vào tay người dùng. Họ có quyền quyết định sự sống còn của mô hình đó, thậm chí có thể là kiếm tiền dựa trên những dữ liệu của mình.
2. Vấn đề SocialFi giải quyết ở đây là gì?
Quay lại ví dụ về Facebook hay Twitter kể trên, dữ liệu của người dùng lúc này được tập trung hoá lại và đặt vào tay một tổ chức trung gian nhất định. Và đây chính là một trong những vấn đề lớn đầu tiên mà SocialFi cần phải giải quyết. Ngoài ra, nó còn liên quan đến việc phân phối lợi ích cho người dùng và nâng cao tính bảo mật, quyền riêng tư nữa. Cụ thể như sau:
- Phân quyền dữ liệu: Các nền tảng truyền thông xã hội truyền thống thu thập và lưu trữ càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt. Để sử dụng được một nền tảng bất kỳ, bạn cần phải khai báo các thông tin cá nhân, đi kèm với đó là việc theo dõi hành vi của bạn trong quá trình sử dụng. Điều này như đã nói có thể phục vụ cho mục đích phân phối quảng cáo hoặc sử dụng dữ liệu cho một mục đích nào đó. Để thay thế được các mô hình truyền thống này, SocialFi cần phải làm cho việc thu thập dữ liệu người dùng trở nên minh bạch hơn và khiến nó không thể giả mạo được. Và công nghệ blockchain có thể giúp nó giải quyết được vấn đề này.
- Phân phối lợi ích: Nói chung, các nền tảng truyền thông xã hội kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo dựa trên lưu lượng truy cập người dùng của họ. Các nền tảng này được hưởng lợi từ lưu lượng truy cập và mức độ tương tác của người dùng. Đổi lại họ chỉ nhận được lợi ích từ việc sử dụng nền tảng. SocialFi cần phải tạo ra nhiều mô hình hơn, cho phép người dùng có thể kiếm tiền trực tiếp từ sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội. Đương nhiên, các mô hình đó cần phải liên quan đến lĩnh vực blockchain.
- Quyền riêng tư và bảo mật: Trong mạng xã hội truyền thống, mọi đăng ký tài khoản đều yêu cầu thông tin của người dùng, chẳng hạn như số điện thoại di động, địa chỉ email,… Những dữ liệu này được lưu trữ tập trung tại các hệ thống máy chủ của các nền tảng này. Đương nhiên, đã là tập trung thì nó luôn luôn tồn tại nguy cơ bị tấn công (Trên thực tế, không ít lần Facebook đã bị lộ lọt dữ liệu người dùng). Bằng việc ứng dụng công nghệ blockchain, SocialFi cần phải giúp bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin của người dùng. Nó có nghĩa là thông tin được công khai cho tất cả mọi người nhưng không ai trong chúng ta có thể chính xác biết được đích danh thông tin đó là của ai.
Cơ hội và thách thức đối với SocialFi
1. Cơ hội
Web 3.0 đã và đang trở thành một xu hướng mới trong lĩnh vực tiền điện tử. Nó giúp tạo ra nhiều cơ hội hơn, đồng nghĩa với việc tao ra nhiều mô hình mới. Blockchain đang dần đi sâu vào từng các lĩnh vực trong đời sống và các mô hình truyền thống sẽ dần trở nên thoái vị.
2. Thách thức
Mặc dù cơ hội nhìn thấy là vậy nhưng chúng ta đừng quên rằng các mạng xã hội truyền thống hiện nay đang thống trị trong phân khúc này. Công nghệ blockchain có thể giúp SocialFi phá vỡ các mạng xã hội này nhưng để nó trở nên phổ biến hơn thì nó cần phải đối mặt với hai thách thức chính. Cụ thể:
Thách thức 1: Độc quyền ảnh hưởng
SocialFi về bản chất là một sự thể hiện của giá trị cá nhân và giá trị này được thể hiện trực quan bằng tiền tệ (tiền điện tử chẳng hạn). Đối với những người tham gia từ trước hoặc những người nổi tiếng đã có sẵn tầm ảnh hưởng rồi thì SocialFi sẽ phần nào mở rộng độc quyền của họ đối với việc tạo nội dung. Ngược lại, đối với những người tham gia sau hoặc đơn giản họ chỉ là những người bình thường, ít hoặc không có tầm ảnh hưởng thì đôi khi nội dung của họ thường khó tiếp cận nhiều người. Như vậy, họ sẽ cần phải tạo ra những nội dung phong phú hơn để thu hút người dùng. Và trên thực tế thì tỷ lệ này thường không dành cho tất cả mọi người.
Thách thức 2: Mô hình kiếm tiền
SocialFi hiện có một số cách để người dùng tạo ra giá trị. Điển hình là việc tạo nội dung và chờ đợi phần thưởng từ những người theo dõi (một dạng donate). Một mô hình khác có thể là Write-to-Earn (tương tự như khái niệm Play-to-Earn) nghĩa là người viết có thể kiếm được phần thưởng thông qua việc viết. Điều này đòi hỏi cao về cơ chế thuật toán và cách để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận với nó.
Hệ sinh thái SocialFi gồm những gì?
Hầu hết các dự án SocialFi hiện dựa trên việc phát hành token, sau đó biến các social token này trở thành cốt lõi của các dự án. Về cơ bản, social token có thể được chia thành ba loại khác nhau. Cụ thể:
- Personal token: Hãy tưởng tượng bạn sở hữu một cộng đồng fan hâm mộ và personal token sẽ giúp bạn tương tác và giữ mối quan hệ với fan của mình. Hiểu đơn giản là bạn sẽ có thể tạo ra một social token riêng mang tên mình, bạn có thể tự định giá nó sau đó phân phối đến các fan hâm mộ. Việc sở hữu các personal token có thể cho phép fan của bạn được quyền truy cập vào các nhóm kín hoặc các nội dung độc quyền do bạn phát hành chẳng hạn.
- Community token: Tương tự như hình thức trên, community token là các token được phát hành bởi một cộng đồng nhất định. Giả dụ, bạn là một người yêu game và bạn tham gia vào một game guild bất kỳ nào đó. Để gắn kết các thành viên trong cộng đồng game guild này, họ sẽ phát hành token riêng và phân phát đến các thành viên khác.
- Social platform token: Là một dạng token được phát hành bởi các nền tảng social. Rất có thể, các mô hình như Facebook hay Twitter sau này cũng có thể phát hành các token dạng này cho người dùng. Họ có thể dùng nó cho việc thế chấp, lock hoặc thậm chí là quản trị cộng đồng nữa. Hay một ví dụ khác là nền tảng phát trực tuyến dựa trên âm nhạc phi tập trung, tập trung vào các giao dịch giữa nhạc sĩ và người nghe Audius. Token của nó là AUDIO được sử dụng bên trong các hoạt động của nền tảng này.
Lời kết
Có thể nói, Web 3.0 phát triển đã mở ra cơ hội cho nhiều nền tảng mới, trong đó có SocialFi. Với những gì mà SocialFi có thể làm được, người ta tin rằng nó sẽ tạo ra một bước tiến đột phá trong giới công nghệ khi mà vấn đề đảm bảo quyền riêng tư của con người đã và đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Khi mọi thứ trở nên ảo hoá, nó có thể sẽ là một mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái metaverse phi tập trung mà thế giới đang xây dựng như hiện nay.
Nguồn: beincrypto