Không gian tiền số vừa mới có những bước phục hồi chậm chạp sau đợt bán tháo vào thứ 4 tuần trước. Thì vào chiều qua, thị trường tiền điện tử lại quay đầu giảm mạnh. Giá Bitcoin và Ethereum đều giảm hơn 5% trong khi tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử mất gần 6% giá trị, theo dữ liệu từ CoinGecko. Tất cả bắt nguồn từ một tin tức chấn động trong giới tài chính Trung Quốc là các nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande và Kaisa chính thức tuyên bố vỡ nợ do không thể thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu bằng đô la Mỹ theo lịch trình.
Kaisa vỡ nợ với trái phiếu trị giá 400 triệu USD, trong khi Tập đoàn China Evergrande đã bỏ lỡ thời hạn trả lãi cuối cùng vào đầu tuần này. Với sự chồng chéo giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, Đây có thể là sự khởi đầu cho một biến động lớn đối với các thị trường tài chính khác bao gồm cả tiền điện tử.
Bắt đầu từ năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã “châm ngòi” cho cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản khi khởi động các biện pháp hạn chế nợ quá mức của các công ty bất động sản cũng như nạn đầu cơ trên thị trường này.
Với “núi nợ” hơn 300 tỷ USD, Evergrande, một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc, đã ngấp nghé bờ vực phá sản trong nhiều tháng qua. Công ty này đã hai lần tránh được vỡ nợ trong phút chót. Tuy nhiên, mọi nỗ lực là bất thành khi hôm qua (9/12), hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã tuyên bố Evergrande vỡ nợ lần đầu tiên với khoản nợ trái phiếu trị giá hơn 1,2 tỷ USD, hạ bậc tín nhiệm của nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới này xuống mức “vỡ nợ hạn chế”.
Sự sụp đổ của Evergrande sẽ không khơi mào cho một cuộc khủng hoảng kinh tế
Những tai ương của Evergrande không chỉ làm rung chuyển thị trường bất động sản, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường tiền số và cả nền tài chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan rằng kết cục phá sản của Evergrande sẽ không dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông Adam Slater chuyên gia kinh tế hàng đầu tại công ty phân tích Oxford Economics của Anh nhận xét:
Mặc dù sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande sẽ là sự kiện quan trọng, nhưng không có nghĩa là khoảnh khắc Lehman sẽ được tái diễn và nó có thể khơi mào cho một cuộc hỗn loạn tài chính toàn cầu. Tác động cơ bản sẽ chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Bối cảnh khủng hoảng ở Evergrande khác xa tình hình xảy ra vụ phá sản của ngân hàng hàng đầu nước Mỹ – Lehman Brother vào năm 2008 khi thị trường toàn cầu đang căng thẳng dữ dội suốt thời gian dài. Còn thị trường ngày nay thì trái lại, rất năng động và thanh khoản toàn cầu rất dồi dào. Trung Quốc sẽ kiềm chế tác động từ vấn đề tài chính của Evergrande. Các nhà cho vay nước ngoài có thể bị thiệt hại, nhưng kích thước các khoản nợ với nguy cơ bị ảnh hưởng vẫn có thể kiểm soát được ngay cả khi các công ty bất động sản khác của Trung Quốc khác vấp phải vấn đề tương tự.
Tác động của Evergrande đến thị trường Crypto
Tập đoàn Evergrande vỡ nợ làm dấy lên những lo ngại cho cộng đồng crypto về ảnh hưởng của quả bom nợ đến lĩnh vực này. Trước đó, nhiều thông tin cho rằng nhà phát hành stablecoin Tether (USDT) có liên quan đến những trái phiếu của Evergrande. Nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng về sự dính líu này. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý một điều rằng khi một thị trường trong không gian tài chính khủng hoảng, cần phải có một nơi cho dòng tiền lưu trú, mọi người sẽ đầu tư vào những sản phẩm tài chính khác, có thể là ổn định, an toàn hơn, hoặc có thể mối tương quan thấp để đầu tư và Crypto là một trong những nơi như vậy, từ lâu Bitcoin đã tự định vị mình như một hàng rào chống lại lạm phát và là một tài sản ẩn chứa an toàn. Do đó, tác động của Evergrande chỉ là nhất thời, việc các nhà đầu tư tổ chức tham gia vào tiền điện tử có thể là cách hữu hiệu để miễn nhiễm lại với những chuyển động ở các thị trường tài chính truyền thống.