Tiền điện tử pháp định, tiền ảo hay tiền mã hóa là những khái niệm được sử dụng nhiều trên các phương tiện truyền thông, báo chí hay trong những câu chuyện hàng ngày. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó lại không hiểu rõ bản chất của khái niệm này, do đó đây là việc cần làm để nâng cao nhận thức của người dân trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
KHÁI NIỆM TIỀN ĐIỆN TỬ
Tiền điện tử còn được gọi với tên gọi khác là tiền kỹ thuật số là một đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu giữ trên Internet, hệ thống máy tính, smartphone và các thẻ thanh toán điện tử. Tiền điện tử cho phép các giao dịch tức thời có thể được thực hiện liền mạch.
CÁC HÌNH THÁI PHÂN LOẠI CỦA TIỀN ĐIỆN TỬ
- Tiền điện tử pháp định
- Tiền số
Tiền số (bao gồm tiền mã hóa và tiền ảo) là một loại tiền điện tử không được kiểm soát, không được phát hành bởi Chính phủ mà thường được phát hành, quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành tư nhân, nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập.
Loại tiền này được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của một nhóm cộng đồng cụ thể.
Nó chỉ có sẵn ở dạng điện tử, được lưu trữ và giao dịch thông qua phần mềm của sàn được chỉ định hoặc thông qua ví điện tử chuyên dụng và các giao dịch xảy ra qua internet thông qua các mạng chuyên dụng, an toàn.
PHÂN BIỆT TIỀN ĐIỆN TỬ, TIỀN ẢO, TIỀN MÃ HÓA
Tiền điện tử pháp định là biểu hiện dưới hình thức điện tử của tiền pháp định, được sự công nhận của chính phủ. Nó được lưu trữ thông qua các thiết bị điện tử lưu trữ như thẻ ATM, ví điện tử, tài khoản ngân hàng….Tiền điện tử vẫn có giá trị trao đổi ngang bằng với tiền pháp định dạng tiền mặt.Ví dụ: Ví thanh toán Momo, Airpay, VTC Pay, Internet banking, thẻ ATM,…
Tiền điện tử có một số đặc điểm
- Được pháp luật công nhận.
- Được Ngân hàng nhà nước phê duyệt và kiểm soát.
- Có thể dùng để định giá, trao đổi hàng hóa.
- Có thể đổi ra dạng tiền giấy pháp định.
TIỀN ẢO
Tiền ảo (virtual money) là dạng tiền điện tử không được chính phủ phát hành mà được tạo ra bởi những cá nhân hoặc tập thể. Tiền ảo được công nhận và sử dụng trong một cộng đồng ảo cụ thể với những mục đích khác nhau. Loại tiền này được các bên mua bán chấp nhận như một phương tiện thanh toán thường xuất hiện trong game. Ví dụ: Tiền chơi trong game; các dạng xu, coin, token dùng để mua các sản phẩm, dịch vụ trên các website, ứng dụng thương mại điện tử, dịch vụ…
Tiền ảo có một số đặc điểm
- Không được pháp luật bảo hộ.
- Không có giá trị thực tiễn, chỉ được chấp nhận sử dụng trong một cộng đồng cụ thể.
- Không được đảm bảo khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định.
- Tồn tại phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số.
- Không bị giới hạn số lượng.
TIỀN MÃ HÓA
Tiền mã hóa (cryptocurrency) là một lớp con của tiền số, là một tài sản kỹ thuật số được thiết kế để làm việc như là một trung gian trao đổi, sử dụng mật mã để đảm bảo các giao dịch, để kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản. Tính năng đặc biệt và được cho là sức hấp dẫn chính của của tiền mã hoá là bản chất phi tập trung. Tiền mã hoá không được ban hành bởi bất kỳ tổ chức hay Ngân hàng trung ương nào, điều này khiến về mặt lý thuyết nó miễn nhiễm với sự can thiệp hoặc thao túng của Chính phủ. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum, LiteCoin,…
Một số đặc điểm nổi bật khác
- Không bị chi phối bởi chính phủ.
- Không bị lạm phát hay làm giả.
- Không qua trung gian, được kiểm soát bởi một hệ thống phi tập trung.
- An toàn và bảo mật.
TÍNH HỢP PHÁP TIỀN MÃ HÓA
Hiện tại, tính hợp pháp của tiền mã hóa vẫn còn đang là vấn đề cần cân nhắc và suy xét. Việt Nam chưa công nhận tiền mã hóa, chưa có các quy định về tiền mã hóa.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ blockchain trong giai đoạn 2021 – 2023. Hiện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền điện tử, tài sản điện tử.
Quy định tiền mã hóa nhằm phát triển các sản phẩm thanh toán cung cấp dưới dạng tiền điện tử và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử, giảm lạm phát, loại trừ các thể loại tiền số, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý. Tính đến nay, đã có hơn 100 quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, El Salvador, … đang đầu tư vào các công nghệ sổ cái phân tán (DLT) với hơn 3 tỷ đô la. Ngoài ra, hơn 120 ngân hàng trung ương đang tham gia vào các cuộc thảo luận DLT, bao gồm cả ý nghĩa của việc phát triển tiền điện tử của ngân hàng trung ương ( CBDC ).
Bài viết trên vừa giới thiệu đến bạn khái niệm tiền điện tử và cách phân biệt tiền điện tử pháp định, tiền ảo, tiền mã hóa. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
Source: Mỹ Dung – PhocapBlockchain