Hàng loạt vụ bê bối trong công tác từ thiện thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề về xây dựng tính minh bạch trong việc quản lý quỹ của các tổ chức từ thiện. Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ Blockchain có thể là giải pháp cho bài toán khó nhằn này.
Ông Huy Nguyễn – đồng sáng lập kiêm CTO tại KardiaChain cho biết, minh bạch và tự động là hai tính chất tự nhiên của công nghệ Blockchain, vì thế Blockchain có thể ứng dụng được nhiều vào bất cứ cơ chế sản phẩm nào cần sự minh bạch như công tác từ thiện. Ông Huy Nguyễn nhấn mạnh:
Nếu các quỹ từ thiện tích hợp vào Blockchain thì mỗi giao dịch gửi đến sẽ được ghi vào Blockchain và lưu trữ trên sổ cái. Vì vậy tất cả mọi người đều có thể kiểm chứng số tiền, so với số tiền thật sự nhận được mà không cần đến sao kê hoặc xin phép giấy tờ từ 1 tổ chức bất kỳ.
Cùng quan điểm này, bà Lynn Hoàng – Giám đốc Binance Việt Nam cho rằng, công nghệ Blockchain có thể giúp người gây quỹ từ thiện xây dựng lòng tin với các nhà tài trợ, người nhận và các bên liên quan khác tiếp cận đúng người và cải thiện chi phí quản lý một cách hiệu quả. Khi ứng dụng Blockchain trong công tác quản lý quỹ từ thiện, các nhà tài trợ hoàn toàn có thể thấy được đường đi của khoản tiền mà mình đóng góp. Nền tảng được xây dựng dựa trên công nghệ Blockchain sẽ đảm bảo rằng quy trình có thể theo dõi, bất biến và đáng tin cậy.
Cụ thể, theo bà Lynn Hoàng, ứng dụng công nghệ Blockchain có thể giúp Quỹ từ thiện tạo ra mối quan hệ minh bạch với các nhà tài trợ, người nhận cũng như với các bên liên quan khác. Đồng thời, công nghệ này cũng giúp giảm chi phí hành chính thông qua tự động hóa và giảm thiểu vai trò của các bên trung gian, tạo ra sức mạnh tổng hợp rộng rãi và hoàn chỉnh của đông đảo người tham gia trong hệ thống từ thiện.
Hồi sinh niềm tin cho hoạt động từ thiện
Theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch HĐQT của Decom Holdings, từ thiện là một hoạt động yêu cầu minh bạch cao. Bởi các quỹ từ thiện thường có bộ máy trung gian tạo ra chi phí không minh bạch. Dẫn tới số tiền chi cho hoạt động từ thiện rất thấp so với số huy động.
Báo cáo năm 2013 của Tampa Bay Times chỉ ra rằng có đến 50 tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ chỉ góp 4% số tiền họ huy động được. Báo cáo năm 2019 của Money Inc, cũng cho thấy thực trạng tương tự, khi 20 tổ chức từ thiện hoạt động kém tại Hoa kỳ chỉ góp dưới 2% số tiền họ huy động.
Blockchain có thể giải quyết được bài toán này, hiện trên thế giới hiện có nhiều quỹ từ thiện lớn đã ứng dụng rất tốt công nghệ blockchain trong việc quản lý quỹ như Chương trình lương thực thế giới với dự án “Build block”. Dự án này đã cắt giảm được rất nhiều chi phí trung gian cũng như đạt được độ minh bạch cao trong hoạt động. Hay như BitGive là tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2013. BitGave là nền tảng đầu tiên tận dụng tiềm năng của công nghệ blockchain để giảm chi phí giao dịch, đẩy nhanh quá trình quyên góp và cung cấp sự minh bạch để tăng khả năng theo dõi tiến trình của các hoạt động từ thiện.
Trong khi đó, bà Lynn Hoàng – Giám đốc Binance Việt Nam cho hay, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) có thể giúp hồi sinh hình ảnh của các tổ chức từ thiện sẵn sàng chấp nhận ứng dụng công nghệ này. Bằng cách giảm thiểu chi phí hành chính thông qua tự động hóa, cung cấp cơ chế xác minh cho phép các nhà tài trợ thấy rõ hơn nguồn tiền của họ đang đi đến đâu, Blockchain có thể giúp khôi phục niềm tin của công chúng đối với hoạt động từ thiện. Bà đã lấy một ví dụ như sau:
Binance Charity Foundation (BCF), được thành lập vào tháng 7 năm 2018 là một mô hình mới kết hợp công nghệ Blockchain với tổ chức từ thiện truyền thống. BCF là một nền tảng quyên góp mang tính cách mạng dành cho các tổ chức phi lợi nhuận nhằm cung cấp tính minh bạch và trách nhiệm giải trình bằng cách cung cấp thông tin tài chính cho các nhà tài trợ. Tất cả các khoản quyên góp gửi đến BCF đều được chuyển trực tiếp đến những người thụ hưởng và toàn bộ quá trình quyên góp được công khai và minh bạch. Lương của toàn bộ nhân viên BCF, chi phí đi lại của nhóm và chi phí để vận hành hệ thống quyên góp đều do Binance đài thọ.
Ông Trung khẳng định, minh bạch hóa các hoạt động không chỉ mang tính truy xuất một chiều mà nó còn phải mang tính hai chiều. Nghĩa là việc sử dụng tiền theo dõi sau khi chi tiêu sẽ phải đúng mục đích vốn mà xưa nay một hệ thống kế toán được thiết kế làm điều đó. Thiết kế tương lai các hợp đồng thông minh phải tạo được những bước tiến vượt trội so với hệ thống kế toán. Điều này hoàn toàn làm được khi có sự kết hợp của chuyên gia kế toán kiểm toán và nhà lập trình Blockchain. Lúc ấy chắc chắn ứng dụng công nghệ thông qua các Smart contract sẽ làm giảm đáng kể việc theo dõi giữa khoản chi từ thiện và nguồn huy động.
Ngoài ra, việc ứng dụng Blockchain còn giúp theo dõi sự biến động nguồn vốn và tài sản, cũng như có thể theo dõi rất nhiều các mục tiêu khác nhau. Thậm chí những bài giải này xuất phát ở quy mô từng nơi từng khu vực nhỏ lẻ tự phát. Nhưng về lâu dài, Blockchain hoàn toàn có thể sinh ra các nền tảng từ thiện mang tính toàn cầu. Chính sự minh bạch cao sẽ quyết định quy mô phát triển của nền tảng đó.
Ông Trung cũng nhấn mạnh rằng: “Công tác quản lý tài chính cũ sẽ bị cạnh tranh bởi các quy tắc quản trị tài chính mới với cách thức hoạt động không ngừng nghỉ 24/7 và không có giới hạn quốc gia của công nghệ Blockchain”.
Source: Nhật Xuân- Doanhnghiepvn